Goryeo (918 – 1392) – Triều đại của những chuyển biến lịch sử
28/05/2024Qua gần 5000 năm dựng nước và giữ nước, Đại Hàn Dân Quốc đã trải qua biết bao thăng trầm để trở thành một đất nước phát triển như ngày nay. Bên cạnh triều đại Joseon nổi tiếng với thời gian tồn tại dài nhất trong lịch sử Hàn Quốc thì Goryeo chính là thời kỳ lịch sử có nhiều biến động dữ dội nhất. Thời kỳ này đã để lại rất nhiều dấu ấn và là một thời kỳ vừa bi ai vừa hào hùng của dân tộc Hàn. Hãy cùng Zila khám phá Goryeo – triều đại gắn liền với 6 cuộc chiến tranh giữ nước chống quân xâm lược Nguyên Mông nhé.
>> Xem thêm: Lịch sử triều đại Joseon (1392 – 1910) – triều đại cuối cùng của bán đảo Hàn |
NỘI DUNG CHÍNH
I. Quá trình hình thành triều đại Goryeo
Từ nửa cuối thế kỷ VIII trở đi, Silla bị mắc kẹt bởi cuộc tranh giành quyền lực của giới quý tộc. Những cuộc chiến này ngày càng trở nên gay gắt. Cho đến cuối thế kỉ IX, Silla bắt đầu suy yếu do sự hỗn loạn xã hội trở nên nghiêm trọng hơn. Bán đảo Hàn bị phân liệt thành Hậu Tam Quốc: Tân La (신라), Hậu Bách Tế (후백제), Hậu Cao Câu Ly (후고구려). Vào thế kỷ X, những người mở rộng được thế lực riêng như Gyeon Hwon và Gungye đã dựng nên quốc gia cho riêng mình, mở ra một thời kỳ mới. Họ đã thành công trong việc lợi dụng sự hỗn loạn của xã hội để tập hợp lực lượng.
Năm 892, Gyeon Hwon, xuất thân từ vùng Sangju (Thượng Châu), vốn là quân nhân canh giữ vùng bờ biển Tây Nam. Khi nông dân nổi dậy tiến hành khởi nghĩa ở nhiều nơi trên toàn quốc, ông đã nhân cơ hội này để tập hợp thế lực và đứng ra lãnh đạo. Sau đó, vào năm 900, ông xây dựng Hậu Bách Tế lấy thủ đô là Wansanju. Giành quyền chiếm lĩnh phần lớn vùng Tây Nam bộ của bán đảo Hàn (gồm Mujin-ju – Gwangju ngày nay; Jeollado và Chungcheong-do ngày nay). Với lực lượng quân sự lớn mạnh, Hậu Bách Tế đã từng bước gây áp lực đối với Silla ở vùng Đông Nam bộ.
Bản đồ phân chia thời Hậu tam quốc (후삼국)
Gungye vốn có xuất thân từ vương tộc Silla nhưng bị hại trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của chính quyền trung ương. Vì thế, ông mang lòng căm thù sâu sắc đối với Silla. Được sự giúp đỡ của một số hào tộc ở vùng Trung bộ, trong đó có cha con Wang Geon (Vương Kiến) ở vùng Songak (Gaeseong ngày nay), ông đã nắm được quyền kiểm soát tỉnh Gangwon-do và Gyeonggi-do. Vào năm 901, ông quyết định chọn Songak làm căn cứ xây dựng nhà nước Hậu Cao Câu Ly và lên ngôi vua. Sau đó ông dời đô về Cheorwon và đổi tên nước thành Taebong (Thái Phong).
Gungye là người có công mở rộng lãnh thổ, cải cách hệ thống thống trị. Nhưng vì quá nghi ngờ những người xung quanh nên đã liên tục mắc sai lầm trong việc cai trị. Lúc này ông tự xưng là Phật Di Lặc (미륵보살t), kiểm soát các lãnh đạo địa phương một cách thái quá và ra sức củng cố ngai vàng của mình nên đã đánh mất lòng tin của dân chúng. Vì vậy, các triều thần đã phế truất Gungye và đưa Wang Geon, một thuộc hạ dưới quyền của Gungye, người có công chiếm được Geumseong (Naju) lên ngôi. Vào năm 918, sau khi lên ngôi, Wang Geon đã đổi tên nước thành Goryeo (Cao Ly), lấy niên hiệu là Cheonsu (Thiên Thụ) và qua năm sau ông dời đô từ Cheorwon về Songak (Gaeseong ngày nay).
II. Thống nhất hậu Tam Quốc
So với Gyeon Hwon và Gungye, Wang Geon có được thế lực địa phương vững chắc hơn. Ông nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ do hiểu rõ lòng dân. Những năm tại vị, ông đã đặt ra những kỷ luật nghiêm khắc với quân đội, không gây tổn hại cho dân nên được dân chúng khắp nơi hoan nghênh. Để thu phục lòng dân và những người đã từng phải chịu nỗi thống khổ do sưu thuế hà khắc, ông đã tiến hành chính sách giảm thuế.
Bên cạnh đó, để thống nhất Hậu Tam quốc, Goryeo một mặt tiến hành công kích Hậu Bách Tế, mặt khác sử dụng chính sách hòa hợp, ủng hộ Silla. Silla lúc bấy giờ dưới thời của Gyeong Sunwang (Kính Thuận Vương) đã bị suy yếu, không thể tiếp tục bảo toàn quốc gia trước sự tấn công của Hậu Bách Tế. Vì vậy, vào năm 935, người đứng đầu Silla đã tự mình giao lại đất nước cho Goryeo. Silla được hợp nhất vào Goryeo mà không cần chiến tranh.
Đồng thời, trong nội bộ Hậu Bách Tế lúc này cũng xảy ra tranh chấp quyền lực. Con trai cả của Gyeon Hwon là Sin Geom đã giam cha mình vào chùa Geumsan nhằm đoạt vương vị. Gyeon Hwon chạy thoát và sang Goryeo đầu hàng Wang Geon. Nhân cơ hội này Wang Geon đã tấn công và tiêu diệt Hậu Bách Tế và cuối cùng thống nhất được Hậu Tam quốc vào năm 936.
III. Các đời vua triều đại Goryeo
STT | Hiệu | Tên riêng | Thời gian tại vị |
1 | Thái Tổ (Taejo) | Vương Kiến (Wang Geon | 왕건) | 918 – 943 |
2 | Huệ Tông (Hyejong) | Vương Vũ (Wang Mu | 왕무) | 943 – 945 |
3 | Định Tông (Jeongjong) | Vương Nghiêu (Wang Yo | 왕요) | 946 – 949 |
4 | Quang Tông (Gwangjong) | Vương Chiêu (Wang So | 왕소) | 949 – 975 |
5 | Cảnh Tông (Gyeongjong) | Vương Trụ (Wang Ju | 왕주) | 975 – 981 |
6 | Thành Tông (Seongjong) | Vương Trị (Wang Chi | 왕치) | 981 – 997 |
7 | Mục Tông (Mokjong) | Vương Tụng (Wang Song | 왕송) | 997 – 1009 |
8 | Hiển Tông (Hyeonjong) | Vương Tuân (Wang Sun | 왕순) | 1009 – 1031 |
9 | Đức Tông (Deokjong) | Vương Khâm (Wang Heum | 왕흠) | 1031 – 1034 |
10 | Tĩnh Tông (Jeongjong) | Vương Hanh (Wang Hyeong | 왕형) | 1034 – 1046 |
11 | Văn Tông (Munjong) | Vương Huy (Wang Hwi | 왕휘) | 1046 – 1083 |
12 | Thuận Tông (Sunjong) | Vương Huân (Wang Hun | 왕훈) | 1083 |
13 | Tuyên Tông (Seonjong) | Vương Vận (Wang Un | 왕운) | 1083 – 1094 |
14 | Hiến Tông (Heonjong) | Vương Dục (Wang Uk | 왕욱) | 1094 – 1095 |
15 | Túc Tông (Sukjong) | Vương Hi (Wang Hui | 왕희) Vương Ngung (Wang Ong | 왕옹) | 1095 – 1105 |
16 | Duệ Tông (Yejong) | Vương Ngu (Wang U | 왕우) | 1105 – 1122 |
17 | Nhân Tông (Injong) | Vương Giai/Khải (Wang Hae | 왕해) | 1122 – 1146 |
Vua Taejo (태조)
18 | Nghị Tông (Uijong) | Vương Hiện (Wang Hyeon | 왕현) | 1146 – 1170 |
19 | Minh Tông (Myeongjong) | Vương Hạo (Wang Ho | 왕호) | 1170 – 1197 |
20 | Thần Tông (Sinjong) | Vương Trác (Wang Tak | 왕탁) | 1197 – 1204 |
21 | Hi Tông (Huijong) | Vương Anh (Wang Yeong | 왕영) | 1204 – 1211 |
22 | Khang Tông (Gangjong) | Vương Tinh (Wang O | 왕오) Vương Thụ (Thục) (Wang Suk | 왕숙) Vương Trinh (Wang Jeong | 왕정) | 1211 – 1213 |
23 | Cao Tông (Gojong) | Vương Triệt (Wang Cheol | 왕철) | 1213 – 1259 |
24 | Nguyên Tông (Wonjong) | Vương Kính (Wang Sik | 왕식) | 1259 – 1269 1270 – 1274 |
– | Anh Tông (Yeongjong) | Vương Xương (Wang Chang | 왕창) | 1269 |
25 | Trung Liệt Vương (Chungnyeol-wang) | Vương Thầm (Wang Geo | 왕거) | 1274 – 1308 |
26 | Trung Tuyên Vương (Chungseon-wang) | Vương Chương (Wang Jang | 왕장) | 1308 – 1313 |
27 | Trung Túc Vương (Chungsuk-wang) | Vương Đảo (Wang Man |왕만) | 1313 – 1330 1332 – 1339 |
28 | Trung Huệ Vương (Chunghye-wang) | Vương Trinh (Wang Jeong | 왕정) | 1330 – 1332 1339 – 1344 |
29 | Trung Mục Vương (Chungmok-wang) | Vương Hân (Wang Heun | 왕흔) | 1344 – 1348 |
30 | Trung Định Vương (Chungjeong-wang) | Vương Chỉ (Wang Jeo | 왕저) | 1348 – 1351 |
31 | Cung Mẫn Vương (Gongmin-wang) | Vương Kì (Wang Jeon | 왕전) | 1351 – 1374 |
32 | U Vương (U-wang) | Vương U (Wang U | 왕우) | 1374 – 1388 |
33 | Xương Vương (Chang-wang) | Vương Xương (Wang Chang | 왕창) | 1388 – 1389 |
34 | Cung Nhượng Vương (Gongyang-wang) | Vương Diêu (Dao) (Wang Yo | 왕요) | 1389 – 1392 |
Vua Cung Mẫn Vương (공민왕)
IV. Chế độ chính trị và các chính sách dưới thời Goryeo
1. Chế độ chính trị của Goryeo
Goryeo tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của hai nền văn hoá chính trị Đường và Tống. Nhà Đường và nhà Tống là một trong những triều đại có nền văn hoá tiên tiến được truyền bá rộng rãi ở khu vực Đông Á lúc bấy giờ. Đồng thời, Goryeo cũng phát triển những yếu tố mới để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.
Về mặt cơ quan chính trị trung ương, nhà nước Goryeo tiếp nhận mô hình “Tam tỉnh lục bộ” (삼성육부제). Thế nhưng, để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, Goryeo lại điều hành theo chế độ “Nhị tỉnh” (이성) là Thượng Thư tỉnh (상서성) và Trung Thư Môn Hạ tỉnh (중서문하성). Trong đó, Trung Thư Môn Hạ tỉnh được hợp nhất từ Trung Thư tỉnh (중서성) và Môn Hạ tỉnh (문하성). Tỉnh này có nhiệm vụ điều hành công việc chính trị quốc gia, thẩm tra và quyết định chính sách. Mặt khác, Thượng Thư tỉnh cai quản Khu (lục bộ) và đảm đương các công việc hành chính.
Bên cạnh đó, Goryeo còn thành lập các cơ quan như Tam ty (삼사), Ngự Sử đài (어사대), Trung Xu viện (중추원). Ngoài ra, còn có Đồ binh mã sứ (도병마사) là cơ quan hội nghị mà các quan lại cấp cao thuộc Trung Thư Môn Hạ tỉnh và Trung Xu viện họp lại để bàn luận các chính sách quan trọng.
Những khu vực hành chính đặc thù như So (sở), Bugok (bộ khúc), Hyang (hương)… đã được thiết lập để sản xuất những vật phẩm cần thiết cho quốc gia. Trong đó, người dân của Bugok, Hyang chủ yếu làm nông nghiệp. Mặt khác, người dân của So thì chủ yếu làm thủ công nghiệp.
2. Các chính sách được thi hành dưới thời Goryeo
Ngay sau khi lập nước, Vua Taejo tiếp tục duy trì chính sách Bắc tiến. Tên nước được đặt là Goryeo với ý nghĩa kế thừa Goguryeo xưa. Chính sách Bắc tiến này đã trở thành nguồn động lực để khôi phục lại lãnh thổ kéo dài đến tận khu vực sông Amnok sau này.
Mặt khác, để thu phục các thế lực địa phương, Vua đã thiết lập các mối quan hệ hôn nhân với các hào tộc. Ông còn mở rộng chính sách để thừa nhận sự tồn tại của họ bằng cách phong quan, cấp điền thổ hoặc ban tặng tên. Không chỉ vậy, ông còn cho phép nhiều thế lực địa phương trở thành thế lực cai trị. Trong số đó, không chỉ có những người xuất thân từ Silla thống nhất mà còn có các thế lực xuất thân từ Baekje (Bách Tế) và Goguryeo (Cao Câu Ly) xưa. Thậm chí, ông còn chấp nhận cả những tàn dân của Balhae (발해) và cho phép họ tham dự vào tầng lớp thống trị của Goryeo.
Ngoài ra, Vua Taejo còn soạn thảo “Những phòng ngừa về chính trị”, “Mười điều huấn thị”, “Các quy tắc quan chức” để răn dạy con cháu và các quan nhằm đảm bảo tương lai của Goryeo. Những chính sách được Vua đề ra đã giúp dân tộc hòa hợp gắn kết, giúp xã hội Goryeo ngày càng ổn định và phát triển.
“10 điều huấn thị” (훈요십조 | 訓要十條) của Vua Taejo
Tuy vậy, những chính sách của ông về lâu dài đã để lại một hậu quả chính là khiến cho thế lực địa phương và đặc biệt là các thế lực bên ngoài trở nên lớn mạnh. Những thế lực ấy thay nhau nắm giữ quyền lực trong triều, nhăm nhe và đe dọa đến vương quyền.
Đến đời vua Jeongjong (946 – 949) và vua Gwangjong (949 – 975) đã đưa ra một số chính sách mới để ổn định và củng cố quyền lực của mình. Vua Gwangjong ban bố chính sách giải phóng nô tỳ đang bị chiếm giữ bởi các hào tộc. Ông cho thi hành chế độ khoa cử để tuyển chọn nhân tài bổ sung vào các cơ quan hành chính. Đồng thời, ông cũng dùng các biện pháp vũ lực để đánh dẹp những thế lực địa phương có ý muốn chống đối chính sách mới.
V. Chế độ giáo dục và khoa cử dưới triều đại Goryeo
Dưới thời Goryeo, kỳ thi tuyển chọn quan văn có chế thuật khoa và minh kinh khoa. Ngoài khoa cử còn có chế độ ấm tự tuyển dụng những người có công với đất nước, những con cháu của triều thần cấp cao vào làm quan mà không cần thông qua thi cử. Không chỉ vậy, thời Goryeo còn có tạp khoa với nhiệm vụ tuyển chọn quan kỹ thuật, tăng khoa để tuyển chọn các tăng lữ. TNhưng triều đại Goryeo không thi hành võ khoa để tuyển chọn võ quan. Vì vậy chỉ chọn riêng ra những người có sức khoẻ tráng kiện và võ nghệ để đưa vào ban võ.
Giáo dục dưới thời Goryeo rất được xem trọng. Ngay từ rất sớm, Goryeo đã cho xây dựng trường học ở Gaegyeong và Seogyeong. Đặc biệt, để nuôi dưỡng và đào tạo ra những nhân tài có năng lực điều hành quốc gia, Goryeo đã cho xây dựng Quốc Tử Giám (국자감) và nhiều trường học ở địa phương.
Thành Quân Quán (성균관) ở Gaeseong
VI. Kinh tế Goryeo
Dưới triều đại Goryeo, nông nghiệp được coi là cơ sở kinh tế quan trọng của đất nước. Vì vậy việc phân chia đất đai có tầm quan trọng đặc biệt. Hệ thống ruộng đất được chia thành 2 loại cơ bản: đất công (thuộc sở hữu của triều đình) và đất tư (thuộc sở hữu của tư nhân).
Tuy thương mại không phải là ngành phát triển chủ yếu của nền kinh tế Goryeo nhưng tình hình giao thương nhìn chung khá nhộn nhịp. Có thể nói dưới thời Goryeo, giao lưu đối ngoại phát triển khá mạnh mẽ. Sau khi xây dựng đất nước, Goryeo thực hiện chính sách đối ngoại thông thoáng. Tiến hành mở cửa, cho phép người nước ngoài như người Tống, Yeojin, Georan ra vào tự do. Goryeo tích cực cử sứ thần, học giả và tăng lữ sang Tống để tiếp nhận nền văn minh phát triển nhằm hoàn thiện các thể chế của mình.
Mặt khác, nhờ chính sách giao thương thông thoáng nên dưới thời Goryeo có rất nhiều thương nhân Ả Rập đến Goryeo để trao đổi buôn bán. Lúc đó, Byeongnan-do thuộc vùng cửa sông Yeseong, nằm ở vùng ngoại ô phía Tây của kinh đô Gaeseong là bến cảng giao thương quốc tế rất phồn thịnh.
STT | Giao thương | Nhập khẩu | Xuất khẩu |
1 | Nhà Tống | Lụa, ngọc trai, chè, gia vị, dược phẩm, sách, nhạc cụ | Vàng bạc, nhân sâm, đá hoa, giấy, mực |
2 | Nhà Liêu | Ngựa, cừu, lụa chất lượng thấp | Khoáng sản, vải sợi bông, đá hoa, mực, giấy, nhân sâm |
3 | Nhà Kim | Vàng, ngựa, vũ khí | Bạc, lụa, vải sợi bông |
4 | Nhật Bản | Thủy ngân, khoáng sản | Nhân sâm, sách |
5 | Nhà Abbas | Thủy ngân, gia vị, ngà voi | Vàng bạc |
Hoạt động giao thương hàng hải thời Goryeo
VII. Văn hoá thời Goryeo
Khi nhắc đến lĩnh vực nghệ thuật thời Goryeo không thể không nhắc đến đồ gốm Cao Ly, đặc biệt là men ngọc bích Cao Ly. Gốm thời Goryeo là loại gốm cầu kỳ và được điêu khắc tỉ mỉ nhất trong lịch sử Triều Tiên. Một nền văn hoá huy hoàng đã được khai sinh dưới triều đại Goryeo. Đó chính là kỹ thuật “nạm khảm” trên gốm sứ xanh – một kỹ thuật đào rãnh trên bề mặt gốm sứ xanh ngọc bích để tạo hoa văn hoạ tiết. Đây là một nghệ thuật độc đáo mà không nơi nào trên thế giới vào thời điểm đó có thể sánh được.
Những hoa văn nổi bật thời bấy giờ có thể kể đến là hình chữ triện, hình lá cây, dải bông hoa cuộn tròn, côn trùng và cá được cách điệu. Và rất nhiều mẫu chạm khắc tinh xảo bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ này. Đặc biệt, vào năm 1234, máy in chữ kim loại chuyển động đầu tiên trên thế giới đã được phát minh bởi Choi Yun Ui. Nhờ đó nền kỹ thuật của Triều Tiên đã có một bước tiến dài dưới triều đại Goryeo.
Bình sứ trắng hoa mai (Quốc bảo số 222 – Thế kỷ XV)
Dưới thời Goryeo, Vua Taejo có ý định mở rộng chính sách cho phép các hệ tư tưởng đa dạng như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, thuyết phong thuỷ địa lý cùng tồn tại. Mặc dù tích cực tiếp thu văn hoá văn minh Trung Hoa nhưng vẫn trên tinh thần cải biến phù hợp với phong tục tập quán của Goryeo.
Vua Gwangjong đã cho thành lập khoa cử là trung tâm khảo thí quốc gia. Nho giáo được coi là hệ tư tưởng chính trị và cơ sở để thành lập một hệ thống giáo dục hiệu quả dưới thời Goryeo. Vua Seongjong là vị vua đã cho thành lập Quốc Tử Giám, cơ quan giáo dục cao nhất. Vào năm 1398, Thành quân quán (성균관) hay Thái học (태학) đã được thành lập. Đây là một học viện chuyên giảng dạy về Nho giáo.
Phật giáo tiếp tục được coi trọng và phát triển mạnh mẽ, có ảnh hưởng lớn đến xã hội Goryeo. Điển hình là “Bát vạn đại tạng kinh” (해인사 대장경판) hay còn gọi là “Cao Ly đại tạng kinh” là bộ kinh Tam tạng với khoảng 80.000 bài kinh Phật được làm thành bản khắc gỗ đầu tiên. Đây là bộ kinh được vua Gojong biên soạn vào năm 1251 nhằm nỗ lực dùng đạo Phật để đấu tranh thoát khỏi sự xâm lăng của người Mông Cổ. Tuy nhiên, bản đầu tiên đã bị hủy hoại trong một cuộc tấn công của quân Mông Cổ năm 1232. Bản còn lại hiện đang được bảo tồn tại chùa Hải Ấn (해인사), tỉnh Gyeongsangnam.
“Bát vạn đại tạng kinh” (Quốc bảo số 32)
VIII. Các cột mốc lịch sử đáng nhớ của triều đại Goryeo
Lịch sử Hàn Quốc | Năm |
Wang Geon thành lập Goryeo | 918 |
Thực thi chế độ khoa cử | 958 |
Thực thi Jeonsigwa (Điền sài khoa) | 976 |
Thiết đặt 12 mục, 3 thành và 6 bộ trên toàn quốc | 983 |
Xây dựng Gukjagam (Quốc tử giám) | 992 |
Đại thắng ở Gwiju | 1019 |
Yun Gwan (Doãn Quán) chinh phạt Yeojin (Nữ Chân) | 1107 |
Loạn Lee Ja-gyeom (Lý Tư Khiêm) | 1126 |
Phong trào dời đô về Seogyeong của Myocheong (Diệu Thanh) | 1135 |
Gim Bu-sik (Kim Phú Thức) biên soạn Tam quốc sử ký | 1145 |
Chính biến của võ thần | 1170 |
Sự tập quyền của Choe Chung-heon (Thôi Trọng Hiến) | 1196 |
Loạn Manjeok (Vạn Tích) | 1198 |
Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất | 1231 |
Dời đô về Ganghwa | 1232 |
In chữ bằng bảng khắc in kim loại (Kim thuộc hoạt tự) đầu tiên của thế giới | 1234 |
Khắc Goryeo Daejanggyeong (Cao Ly đại tàng kinh) | 1236 |
Dời đô về lại Gaesong (Khai Thành) | 1257 |
Hồi phục Ssangseong Chong-gwanbu (Song thành tổng quản phủ) | 1356 |
Lui quân về ở Wihwa-do (đảo Uy Hoá) | 1388 |
Goryeo diệt vong, Joseon kiến quốc | 1392 |
Tổng hợp bởi: Zila Team
Tham khảo & Nguồn: 한국의 역사 | 편저자: 서울대학교 한국학교재편찬위원회, in vào tháng 8/2005
>> Xem thêm: |
Zila là trung tâm chuyên về du học Hàn Quốc và luyện thi Topik có trụ sở tại Hồ Chí Minh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học Hàn Quốc, Zila là một trong những trung tâm du học Hàn Quốc uy tín nhất hiện nay. Gần như tất cả thông tin du học Zila đều có thể giải đáp và cung cấp đến học viên và phụ huynh. Bất kỳ thắc mắc về điều kiện du học Hàn Quốc, trường đại học Hàn Quốc, chi phí du học Hàn Quốc, học bổng du học Hàn Quốc… đều được đội ngũ Zila tư vấn một cách tận tình. Liên hệ ngay Zila để được giải đáp mọi thông tin một cách ĐẦY ĐỦ, CHÍNH XÁC và MIỄN PHÍ. Hoặc bạn có thể xem thêm Dịch vụ tại Zila Education.
—
LIÊN HỆ NGAY
CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC ZILA
☞ CN1: ZILA – 18A/106 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đakao, Q.1, TP. HCM
☎ Hotline CN1: 028 7300 2027 hoặc 0909 120 127 (Zalo)
☞ CN2: ZILA – Tầng 3 (KVAC), 253 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP. HCM
☎ Hotline CN2: 028 7300 1027 hoặc 0969 120 127 (Zalo)
Email: contact@zila.com.vn
Website: www.zila.com.vn
Facebook: Du học Hàn Quốc Zila