Đám cưới Hàn Quốc – Nét văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống

Đám cưới Hàn Quốc – Nét văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống

Từ xa xưa, người Hàn Quốc đã tin tưởng sâu sắc vào sự cân bằng âm dương ngũ hành và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Chính vì thế, đám cưới – sự kết hợp giữa nam và nữ – luôn được xem là một ngày lễ trang trọng với những nghi lễ tỉ mỉ và cầu kỳ. Trong bài viết này, Zila sẽ cùng bạn khám phá những thông tin thú vị và bổ ích về đám cưới Hàn Quốc – một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng nhất, nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và ý nghĩa của xứ sở kim chi.

Đám cưới Hàn Quốc

I. Ý NGHĨA CỦA ĐÁM CƯỚI Ở HÀN QUỐC

Ở các nước phương Đông như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, đám cưới không chỉ là sự kiện của tình yêu đôi lứa mà còn là sự gắn kết thiêng liêng giữa hai gia đình. Đặc biệt, đám cưới Hàn Quốc rất trang trọng, mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Trong văn hóa Hàn Quốc, đám cưới là một trong bốn nghi lễ quan trọng nhất đời người. Nghi thức “tam thệ” thể hiện lòng thành kính với cha mẹ, đất trời và lời thề nguyện trăm năm của đôi uyên ương. Đám cưới còn nhấn mạnh sự tôn trọng lẫn nhau thông qua nghi thức cúi đầu lạy nhau. Các nghi lễ và vật dụng trong đám cưới đều mang ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng của gia đình.

Thông qua đám cưới, người Hàn Quốc không chỉ chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ mà còn xem đây là dịp gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

II. LỊCH SỬ ĐÁM CƯỚI Ở HÀN QUỐC

Đối với người Hàn Quốc, đám cưới là nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời. Vì sự hòa hợp nam nữ, kết hợp âm dương đã là một phần của vũ trụ luận và thế giới quan của Shaman giáo, trước cả Nho giáo. Vì thế người Hàn xem đám cưới là bắt buộc, nếu không kết hôn thì sẽ được xem là một bất hạnh.

Đám cưới Hàn Quốc

Trong xã hội Joseon, các quan chức địa phương còn đích thân tổ chức đám cưới cho những người chưa kết hôn. Vì người dân địa phương tin rằng nếu âm dương không hài hòa và khiến ông trời tức giận thì sự vận hành thời tiết của tự nhiên sẽ bị xáo trộn, từ đó có thể dẫn đến hạn hạn gây mất mùa màng. Ngày nay, việc tổ chức mai mối tập thể cho các chàng trai chưa vợ ở nông thôn với các cô dâu từ Đông Nam Á và Trung Quốc cũng có liên quan đến phong tục này.

 

III. TRANG PHỤC TRONG ĐÁM CƯỚI HÀN QUỐC

1. Trang phục truyền thống của giai cấp thượng lưu

Vì đám cưới là một ngày vui trọng đại nên cô dâu chú rể thường được diện các trang phục Hanbok truyền thống với những màu sắc tươi sáng như màu xanh dương, đỏ, vàng, trắng. Các trang phục trang trọng này thường dành cho giới quý tộc (yangban) hoặc vua chúa nhưng vì đám cưới là ngày vui nên người dân được nhà nước cho phép mặc trang phục của tầng lớp thượng lưu. 

2. Trang phục của cô dâu

Cô dâu thường diện trang phục Hanbok loại Hwarot hoặc Wonsam. Hwarot là trang phục cưới truyền thống bắt nguồn từ thời Joseon. Hwarot có nền đỏ và được trang trí rất nhiều họa tiết nổi bật vì thế ban đầu nó là trang phục của công chúa trong cung. Wonsam cũng là một loại trang phục cưới của cô dâu và vì loại này có giá thành thấp hơn và dễ đặt mua hơn nên thông thường các cô dâu sẽ diện Wonsam nhiều hơn Hwarot. Ngoài ra, hai mảnh vải trắng được gọi là Hansam cũng được đính vào cuối tay áo của Wonsam hoặc Hwarot.

3. Trang phục của chú rể

Chú rể thì thường diện trang phục gồm Danryeong và mũ Samo, vốn là trang phục của quan lại thời đó. Mũ Samo thường có màu đen và Danryeong thì thường có màu xanh dương. Thêm vào đó, chú rể còn mang giày Mokhwa làm bằng da có lót gỗ ở dưới và đeo thêm thắt lưng Hyeokdae cũng làm bằng da.

 

IV. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI HÀN QUỐC

1. Địa điểm

Thường được tổ chức tại sân nhà của cô dâu. Thời kỳ đầu Joseon thì do tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng nên đám cưới sẽ được tổ chức ở nhà chú rể nhưng về sau này, dù nhà nước khuyến khích làm đám cưới ở nhà trai nhưng do sự phản đối của người dân nên dần dần đám cưới được tổ chức tại nhà gái. Sau đó chú rể phải ở lại nhà cô dâu 3 ngày rồi mới được dẫn cô dâu về nhà mình. 

2. Thời gian

Đám cưới thường được tổ chức vào buổi chiều tối (hoàng hôn) vì người Hàn quan niệm rằng thời điểm đó là lúc âm dương hài hòa, trong âm có dương trong dương có âm. Tuy nhiên ngày nay thì đám cưới thường được tổ chức vào buổi trưa để thuận tiện cho việc tiếp khách cũng như thực hiện các nghi lễ phức tạp.

 

V. NGHI LỄ CỦA ĐÁM CƯỚI HÀN QUỐC

1. Các nghi lễ trước đám cưới

Trước khi đám cưới diễn ra, sẽ có một số nghi lễ cần thiết để bàn bạc và thống nhất cho việc chuẩn bị đám cưới.

  • Hôn đàm: nhà trai và nhà gái sẽ bàn bạc và thống nhất về việc kết hôn của đôi trẻ.
  • Nạp thái: Nhà trai gửi thông tin về ngày sinh của chú rể cho nhà gái để chọn ngày cưới.
  • Liên cát: Nhà gái xác định ngày cưới và gửi lại cho nhà trai.
  • Nạp tệ: Nhà trai gửi sính lễ đến nhà gái.

Trước ngày diễn ra đám cưới, nhà trai sẽ cử một người con trai gửi đến nhà gái hai chiếc rương gồm có đồ cúng lễ Pyebaek. Sính lễ Chaedan (gồm một tấm vải đỏ hoặc xanh dương để may váy và hai bộ áo Jeogori, là áo khoác ngoài của Hanbok nữ), túi ngũ sắc và thư hồi môn. Người con trai mang sính lễ qua nhà gái thường được gọi là Hamjinabi (người đưa sính lễ). Người này thường là người thân hoặc bạn thân của chú rể và họ thường mặc trang phục truyền thống và đeo mặt nạ để xua đuổi tà ma.

2. Các nghi lễ chính trong đám cưới

Ngày diễn ra đám cưới thường được gọi là Đại lễ (Daerye). Trong ngày này cô dâu chú rể sẽ thực hiện các nghi lễ: lễ rước dâu, lễ điện nhạn, lễ giao bái, lễ hợp cẩn, lễ thành hôn.

Lễ rước dâu (Chohaeng)

Đoàn nhà trai, dẫn đầu là chú rể sẽ đến nhà trai để làm đám cưới. Thông thường chú rể sẽ cưỡi ngựa và đi đầu tiên. Đoàn rước dâu thường bao gồm “thượng khách” bao gồm những người lớn tuổi và có vị trí cao trong gia đình như cha, anh trai, chú của chú rể sẽ đi hàng đầu, những người còn lại trong gia đình sẽ đi phía sau. Đôi khi đoàn rước dâu sẽ có cả trẻ em đi cùng, được gọi là “tiểu đồng”. Sau khi nhà trai đến, nhà gái sẽ có người ra tiếp đón và dẫn vào phòng chờ dành cho nhà trai. Đôi khi để xua đuổi tà ma, người ta còn đốt rơm rạ trước cổng nhà gái và để chú rể bước qua đám lửa này và đi vào nhà.  

Lễ điện nhạn (Jeonanrye)

Đây là lễ đầu tiên trong đám cưới. Chú rể sẽ mang một đôi uyên ương (ngỗng trời) bằng gỗ sang nhà gái sau đó quỳ xuống và dâng chúng lên bàn thờ. Kế đến chú rể cúi đầu lạy hai lần trước cha mẹ cô dâu. Đôi uyên ương tượng trưng cho lòng chung thủy vì chúng sẽ kết đôi suốt đời và luôn bay cùng nhau. Vì thế, việc chú rể tặng đôi uyên ương biểu trưng cho lòng chung thủy, một đời yêu thương và chăm sóc cô dâu trọn đời của chú rể. 

Lễ giao bái (Kyubaerye)

Một trong hai nghi lễ chính của đám cưới Hàn Quốc là nghi lễ giao bái. Sau khi dâng lễ vật, cô dâu chú rể sẽ tiến xuống sân chính, nơi đặt một bàn lễ với các vật phẩm tượng trưng như táo tàu, hạt dẻ, cây cảnh, nến và một con gà. Hạt dẻ biểu trưng cho sức khỏe và phước lành, gà tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, cây thông và cây tre tượng trưng cho sự kiên định và chung thủy, nến xanh và đỏ tượng trưng cho âm dương.

Chú rể đứng phía đông, cô dâu đứng phía tây bàn lễ, cùng thực hiện nghi thức rửa tay trước khi tiến hành giao bái. Cô dâu cúi đầu hai lần, chú rể cúi đầu một lần đáp lại, sau đó lặp lại một lần nữa. 

Xưa kia, do hôn nhân thường được sắp đặt trước nên đám cưới là lần đầu tiên cô dâu chú rể gặp nhau. Vì vậy, nghi lễ giao bái cũng mang ý nghĩa là lời chào hỏi đầu tiên của họ dành cho nhau.

Lễ hợp cẩn/ giao bôi (Hapgeunrye)

Lễ hợp cẩn là nghi lễ lớn kế tiếp diễn ra sau lễ giao bái. Cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau uống ba chén rượu. Chén rượu đầu tiên là lời thể với trời đất, chén rượu thứ hai là lời thề sẽ kết hôn với người bạn đời, chén rượu thứ ba là lời hứa yêu thương, trân trọng và sống trọn đời bên nhau. Đặc biệt là chén thứ ba làm từ một quả bầu khô được chẻ đôi. Sau khi hai người trao đổi chén rượu, hai nửa bầu sẽ được ghép lại thành quả bầu hoàn chỉnh. Điều này tượng trưng cho việc chỉ khi hai người kết hợp lại với nhau mới có thể trở thành một thể thống nhất hoàn chỉnh.

Quả bầu khô này được trang trí bằng chỉ xanh dương và đỏ và thường được dùng để treo trên trần nhà để bảo vệ phòng tân hôn. Vì người Hàn quan niệm khi vợ chồng có bất đồng thì sẽ nhìn lên quả bầu khô để suy ngẫm và hàn gắn lại tình cảm.

Nghi lễ này có ý nghĩa rất lớn trong đám cưới truyền thống. Ngày xưa, đám cưới không có lời thề hoặc trao nhẫn nên việc họ lặng lẽ nhìn vào mắt nhau, cúi đầu chân thành và chạm môi vào chén rượu bầu khô chính là minh chứng cho lời thề son sắt bên nhau của họ.      

Lễ thành hôn (Seonghonrye)

Người chủ trì buổi lễ sẽ yêu cầu cô dâu và chú rể cúi đầu cảm ơn cha mẹ hai bên và khách mời. Sau đó người chủ trì tuyên bố kết thúc nghi lễ, đồng thời khuyên cô dâu chú rể sống hạnh phúc, sinh con đẻ cái, biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ, đóng góp cho xã hội, và cảm ơn khách mời đã nhín chút thời gian quý báu đến chung vui cùng gia đình. Sau đó lễ cưới kết thúc và kế đến là phần dùng bữa của khách mời. 

3. Nghi lễ sau đám cưới

Sau khi đám cưới kết thúc sẽ có một nghi lễ cho cô dâu ra mắt ba mẹ chồng và gia đình bên chồng sau khi về nhà chồng được gọi là Pyebaek. Nếu cô dâu về nhà chồng ngay sau khi kết thúc lễ cưới thì Pyebaek sẽ diễn ra ngay sau đó, còn nếu cô dâu và chú rể ở lại nhà cô dâu 3 ngày thì Pyebaek sẽ diễn ra sau 3 ngày.

Trang phục trong lễ Pyebaek thì vẫn giống với trang phục của đám cưới. Cô dâu sẽ bày biện ra bàn lễ những vật đã chuẩn bị từ trước ở nhà mình gồm có táo tàu, hạt dẻ, rượu, đồ nhắm và trái cây. Sau đó cùng chú rể cúi lạy và dâng rượu mời ba mẹ chồng, các bậc trưởng bối trong gia đình. Sau khi hai vợ chồng cúi lạy và dâng rượu, những người lớn trong nhà sẽ chúc phúc cho đôi vợ chồng và ném táo tàu và hạt dẻ vào váy cô dâu với ý nghĩa mong muốn con dâu sinh nhiều con và gia đình thịnh vượng, viên mãn. Dù đám cưới hiện đại ở Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi nhưng Pyebaek vẫn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.

 

VI. MỘT SỐ LƯU Ý KHI DỰ ĐÁM CƯỚI HÀN QUỐC

1. Trang phục của khách tham dự

Đám cưới Hàn Quốc

Khi dự đám cưới ở Việt Nam, chúng ta hay diện cho mình những bộ trang phục thật đẹp, thật rực rỡ nhưng khi dự đám cưới ở Hàn Quốc thì bạn nên diện những bộ trang phục thật đơn giản với những màu sắc tối hoặc trung tính như đen, trắng, xám. Vì người Hàn Quốc quan niệm rằng cô dâu và chú rể phải là người rạng rỡ nhất, rực rỡ nhất trong ngày trọng đại của họ. 

2. Tiền mừng cưới và phong bì cưới 

Số tiền mừng cưới ở Hàn Quốc tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mức độ thân sơ, địa điểm tổ chức, thời gian thì sẽ có sự chênh lệch. Nhưng thông thường thì số tiền sẽ giao động như sau:

  • Nếu bạn chỉ gửi phong bì và không đến dự thì sẽ khoảng 50,000 won
  • Nếu bạn đến dự trực tiếp và địa điểm tổ chức không phải nhà hàng, khách sạn hay chỗ sang trọng thì sẽ khoảng 100,000 won
  • Nếu bạn đến dự trực tiếp và địa điểm tổ chức là nhà hàng, khách sạn hay chỗ sang trọng thì sẽ khoảng 150,000 won

Phong bì cưới ở Hàn Quốc có đôi chút khác biệt với Việt Nam. Thường thì phong bì sẽ có màu trắng với họa tiết đơn giản. Mặt trước các bạn sẽ viết tay một câu chúc mừng đám cưới của cô dâu chú rể bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Hán theo chiều dọc và mặt sau các bạn sẽ ghi tên mình theo chiều dọc ở phía gốc dưới bên trái và ghi mối quan hệ của bạn với cặp đôi ở bên phải tên mình.

3. Chụp hình với cô dâu chú rể và hát mừng chung vui đám cưới   

Trước khi đám cưới bắt đầu sẽ có phần chụp hình với cô dâu chú rể vì thế bạn hãy đến đúng giờ được mời và chụp ảnh với cô dâu chú rể để lưu giữ kỷ niệm đẹp. Ngoài ra, ở cuối buổi lễ sẽ có phần khách dự lễ hát hoặc nhảy chúc mừng. Vì thế nếu được thì bạn hãy chuẩn bị một tiếc mục để hát hoặc nhảy chúc mừng của bạn bè, người thân, đồng nghiệp nhé! 

Đám cưới Hàn Quốc     

VII. GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA VÀ ĐÁM CƯỚI CỦA GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA VIỆT – HÀN

Ngày nay, trong bối cảnh mối quan hệ Việt – Hàn càng ngày càng phát triển thì xu hướng các bạn trẻ Hàn – Việt tìm hiểu nhau và tạo thành gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc hoặc Việt Nam đang có xu hướng tăng cao. Những gia đình này mang trong mình sự giao thoa văn hóa độc đáo, tạo nên bức tranh đa sắc màu trong xã hội. 

Do sự khác biệt văn hóa và khách mời, các cặp đôi Hàn – Việt thường tổ chức hai đám cưới riêng biệt, một tại Việt Nam theo phong tục Việt và một tại Hàn Quốc theo phong tục Hàn. Cả hai thường có MC song ngữ Việt – Hàn. Gần đây, nhiều cặp đôi trẻ chia sẻ cuộc sống gia đình đa văn hóa trên mạng xã hội, góp phần quảng bá sự giao thoa văn hóa giữa hai nước.

Các bạn cùng xem qua video đám cưới của cặp vợ chồng Seung Thảo và cặp vợ chồng HoonKem để hiểu thêm về đám cưới của các cô dâu Việt ở Hàn Quốc nhé! 

 

VIII. TỔNG KẾT

Đám cưới Hàn quốc dù đã trải qua nhiều biến đổi theo thời gian và chịu ảnh hưởng của phương Tây, song vẫn là một bức tranh sống động chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc. Mỗi vật dụng được bài trí trong không gian lễ cưới đều mang trong mình những ý nghĩa biểu trưng tinh tế, thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm, suy nghĩ của người Hàn Quốc về hôn nhân và gia đình. Hy vọng rằng, qua những chia sẻ về đám cưới Hàn Quốc, bạn đọc không chỉ có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa xứ sở kim chi, mà còn có thể tự mình khám phá những điểm tương đồng và khác biệt thú vị so với đám cưới truyền thống Việt Nam.

Tổng hợp bởi: Zila Team

Đăng ký tư vấn ngay để Zila có thể hỗ trợ bạn mọi thông tin du học nhanh nhất nhé!

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

 

Zila là trung tâm chuyên về du học Hàn Quốc, luyện thi Topikdạy tiếng Hàn online có trụ sở tại Hồ Chí Minh. Với hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học Hàn Quốc, Zila là một trong những trung tâm du học Hàn Quốc uy tín nhất hiện nay. Gần như tất cả thông tin du học Zila đều có thể giải đáp và cung cấp đến học viên và phụ huynh. Bất kỳ thắc mắc về điều kiện du học Hàn Quốc, trường đại học Hàn Quốc, chi phí du học Hàn Quốc, học bổng du học Hàn Quốc… đều được đội ngũ Zila tư vấn một cách tận tình. Liên hệ ngay Zila để được giải đáp mọi thông tin một cách ĐẦY ĐỦ, CHÍNH XÁCMIỄN PHÍ. Hoặc bạn có thể xem thêm Dịch vụ tại Zila Education.

LIÊN HỆ NGAY

CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC ZILA

☞ CN1: ZILA – 18A/106 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đakao, Q.1, TP. HCM
☎ Hotline CN1: 028 7300 2027 hoặc 0909 120 127 (Zalo)

☞ CN2: ZILA – Tầng 3 (KVAC), 253 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP. HCM
☎ Hotline CN2: 028 7300 1027 hoặc 0969 120 127 (Zalo)

Email: contact@zila.com.vn
Website: www.zila.com.vn
Facebook: Du học Hàn Quốc Zila

Chia sẻ


Hotline: 0909.120.127
Chat Facebook
Gọi tư vấn